Năm mới,
Khởi đầu mới,
Liệu những cơ hội hay thử thách nào đang chờ đón Gen Z trong năm 2023?

Chắc hẳn, câu hỏi trên đã quá quen thuộc trong tâm trí của những người trẻ thế hệ Z - một thế hệ được sinh ra trong thời đại số, một thế hệ đang được xem là thế hệ “vượt sướng”. Đối với mỗi người trẻ, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là một cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây có thể là lúc họ đặt ra cho mình những mục tiêu, những kế hoạch sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, họ cũng có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực, thách thức khi mang trên mình danh nghĩa “là Gen Z”.

Trên thực tế, Gen Z có phần thuận lợi hơn so với những thế hệ đi trước. Họ được sinh ra trong hoàn cảnh đất nước không còn chiến tranh mà thay vào đó là sự phát triển của công nghệ, sự tiến bộ của nền giáo dục, được thừa hưởng những thành tựu của các thế hệ trước. Tuy là thế nhưng người trẻ thời nay đang phải sống dưới những áp lực vô hình, và cũng đang đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Liệu rằng mình đã đủ hay chưa?” 

NGƯỜI TRẺ GẮN MÁC "GEN Z" SƯỚNG HAY KHỔ?
Mình cảm thấy có chút áp lực bởi một phần xuất phát từ kỳ vọng quá lớn mà bố mẹ dành cho mình, muốn mình thay bố mẹ đạt được những thứ mà họ chưa từng đạt được trong quá khứ. Bên cạnh đó, việc chứng kiến những thành tựu mà những anh chị đi trước đã đạt được dù tuổi đời còn rất trẻ phần nhiều cũng đã tác động đến tư duy và hướng phát triển của mình. Những áp lực này một mặt tạo động lực giúp mình tiến về phía trước nhưng đôi khi nó cũng làm mình khá căng thẳng.
(Bạn Mai Nhi - sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ)
Bên cạnh đó, áp lực đồng trang lứa cũng là thứ mà gen Z nào cũng từng hoặc đang trải qua. Những bài báo với tựa đề: “ Ra trường lương nghìn đô”, “ Thực tập năm hai ở Big 4” xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Đủ các bài viết khiến cho những bạn trẻ mới chập chững bước vào đời trở nên lo lắng, bất an hay thậm chí còn nghĩ bản thân thật vô dụng khi chỉ biết cắm cúi vào sách vở. Thế giới này luôn công bằng với tất cả mọi người, vào lúc các thế hệ trước phải chịu đựng áp lực của “cơm áo gạo tiền” thì thế hệ của Z cũng đang phải gồng mình dưới áp lực phải thành công sớm, phải kiếm tiền giỏi. Gen Z - họ cũng đang có những “nỗi khổ” mà người thế hệ trước không hình dung được, bởi lẽ khác thế hệ cũng là khác về cách nhìn nhận vấn đề.

Áp lực thành công từ những người đi trước 

Có lẽ bởi Gen Z được sinh ra trong điều kiện đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, được đón nhận những sự đầu tư về giáo dục cũng như thể chất nên họ càng “không có lí do gì để thất bại”. Những bậc cha mẹ ở châu Á thường đặt nhiều áp lực lên con cái, muốn con luôn phải là người xuất sắc nhất, vào được ngôi trường danh giá và có một sự nghiệp “xứng” với công sức và tiền bạc mà cha mẹ đã bỏ ra. Chúng ta không khó để bắt gặp những câu chuyện về việc: “sinh viên thực tập sớm từ năm nhất” hay “sinh viên làm thêm 4 công việc cùng lúc, thu nhập gấp 3”. Tất cả đều xuất phát từ áp lực thành công vội, phải kiếm tiền sớm và phải làm bản thân trở nên bận rộn. 


Áp lực trong việc tìm kiếm bản thân trong thời đại mới 

Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng: “Mình sẽ là ai trong thế giới hàng tỷ người" hay “mình sẽ là ai giữa ngân hà rộng lớn"? Gen Z từ trước đến nay vẫn luôn được coi là thế hệ “Nghĩ lớn - Mơ nhiều", là thế hệ “Dám nghĩ - Dám làm - Dám thay đổi". Dưới sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ số, cùng những sức ép đến từ việc làm, xã hội và những tiêu chuẩn kép, Gen Z ngày nay buộc phải mang trong mình những hoài bão to lớn để kiến tạo nên những dấu ấn của bản thân cho cuộc đời, cho cộng đồng. Bởi, các bạn trẻ sớm đã nhận thức được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, đồng thời, họ nhận được sự định hướng sớm từ gia đình, nhà trường và những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, “mở quá nhiều tabs sẽ làm hao pin", quả thật, Gen Z ngày nay vô tình bị cuốn theo những sự hào quang, hào nhoáng của cụm từ “vạn năng" mà không biết đâu là điểm mạnh, đâu là sở thích thực sự của mình để theo đuổi. Để rồi, họ đem theo giấc mộng vĩ đại ấy cùng những sự mơ hồ về định hướng, những kiến thức “mỗi thứ biết một chút” và trở thành “những kẻ mộng mơ" trong thời đại mới. Sau cùng, chúng lại vô tình khiến các bạn trẻ ngày nay lạc lối ngay trong chính giấc mộng của mình. Trong một thế giới vốn đầy cạnh tranh và khốc liệt, trong một cuộc sống vốn hối hả và bận rộn, các bạn trẻ ấy đã vô tình vấp ngã, vô tình thất bại. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đứng lên, không phải ai cũng đủ kiên cường để đối mặt với sự thật. Và rồi, họ lạc lối giữa muôn vàn ngã rẽ, không biết rằng con đường ấy có thực sự dành cho mình hay không?

Sẽ không xa lạ gì khi thời nay, các bạn học sinh đã được trang bị một số kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, truyền thông, kinh doanh thực tiễn thông qua các môn học trên lớp hay hoạt động ngoại khoá và các tổ chức phi chính phủ. Và chính những trải nghiệm thực tế ấy đã thắp lên cho thế hệ Gen Z những khát vọng lớn lao, những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ và cả những áp lực khi phải định hình bản thân trong thời đại mới.
Cũng không phải ngẫu nhiên, khi ngày nay, với sự nở rộ của cụm từ "Thế hệ vạn năng", rất nhiều trung tâm đào tạo về những kỹ năng như Marketing, Lập Trình, Thiết kế đồ hoạ được lập ra dưới hình thức khóa học ngắn hạn thu hút các bạn trẻ muốn trang bị cho mình đa kiến thức để sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động khắc nghiệt. 

Áp lực từ sự chưa ổn định

Gen Z đang chưa có sự ổn định về sự nghiệp, tài chính hay mối quan hệ. Người trẻ có thể rất tham vọng, rất hoài bão, họ luôn đặt ra cho mình những kế hoạch, mục tiêu lớn, những thay đổi của cuộc đời. Tuy nhiên những thay đổi ít nhiều vẫn đang ở trên mặt suy nghĩ, không chắc chắn và sau cùng, nó dẫn đến nỗi lo về tương lai vô định. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh là sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cộng với xu thế dịch chuyển khiến cho cuộc sống của gen Z chưa bao giờ là “ổn định”. Ví dụ như tình trạng nhảy việc liên tục của Gen Z. Trong cuộc khảo sát với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc, Anphabe – một đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, việc làm đã chỉ ra rằng có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm. Như vậy, mọi thứ với Gen Z đều nhuốm màu vội vã, chóng vánh và bấp bênh.

Hiện tượng tâm lý FOMO (fear of missing out) hay còn gọi là hội chứng “sợ” bị lãng quên cũng là nguyên nhân dẫn đến áp lực này của giới trẻ. FOMO khiến người trẻ rời xa dần mục tiêu và con đường phát triển bản thân của mình, để rồi họ sẽ chỉ sống trong bất an hay thậm chí là ganh tị với sự thành công của người khác. Trên thực tế, khi các bạn trẻ chỉ mãi đắm chìm bản thân trong thế giới của người khác, không ngừng lo lắng về những gì mọi người xung quanh đang làm sẽ khiến họ bỏ lỡ cuộc sống riêng của chính mình nhiều hơn. Và sau tất cả đó là sự vô định, mất phương hướng và cả lo âu. 

VẬY ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP CHO GEN Z?

Sống trong thời đại đầy cơ hội và thách thức, sự mông lung vô định ngày càng trở nên phổ biến trong thế hệ gen Z. Với đặc điểm nhạy bén và dễ dàng thích nghi với thời cuộc, chúng ta đặt ra câu hỏi liệu rằng có thể tìm thấy “cơ” trong “nguy” hay không?

Tuy nhiên, sự mông lung không rõ ràng về nơi mình muốn đến cũng chính là cơ hội cho gen Z được thỏa sức tìm kiếm và lựa chọn những con đường mới trên hành trình khám phá bản thân.
Vậy làm sao để đi đúng hướng và xác định rõ mục tiêu?

3R: Review, Reset, Restart

Chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu, bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay và tạo ra một kết thúc mới. Hãy “review” lại những thành tựu dù chỉ là nhỏ bé, những thất bại dù có “đau đớn” đến mức nào. Hãy tự hào vì mỗi thành công, mỗi thất bại đều là những viên gạch xây đắp nên một tương lai mơ ước của bạn. Hãy dành thời gian để đánh giá lại quá trình trong một năm qua của bạn. 
Cuối cùng, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thật thoải mái, năng lượng để sẵn sàng “restart” cho những điều mới mẻ. Đừng chần chừ mà hãy bắt đầu, hãy tập trung vào hiện tại thay vì chỉ mãi lo lắng về tương lai - điều mà chính bạn còn không thể quyết định được. 
Nếu bạn cảm thấy con đường mình đã vạch ra chẳng đi đến đâu, thì hãy bình tĩnh “reset”, tìm ra vấn đề và thành thật với chính bản thân mình. Việc đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực sẽ là một bước đệm giúp bạn tiếp gần hơn với kết quả bởi “Trèo cao thì ngã đau”, “Càng hy vọng lớn thì càng thất vọng nhiều”. Những mục tiêu nghe có vẻ “phi thực tế” không hẳn là xấu hay không thể làm được, tuy nhiên bạn vẫn cần có một cái nhìn bao quát hơn để tránh làm bản thân rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng.

Sự “an toàn” nguy hiểm 

Điều tuyệt vời nhất mà tuổi trẻ có được là cơ hội để được sai và thay đổi tốt lên từng ngày. Đừng để cuộc sống quá thoải mái đánh lừa rằng thế đã là “đủ”.
Hãy thử nhớ lại xem bạn còn bao việc đang trì hoãn trên list mục tiêu mà bạn đã đặt ra? Chúng ta hay có xu hướng trốn tránh những điều mới, không hẳn vì nó quá khó nhằn mà do con người có xu hướng ổn định với những điều quen thuộc. Hãy bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất, đừng ngần ngại và suy nghĩ quá nhiều, sau một vài lần “dám” bạn sẽ thấy mình đã từng bước mở rộng vùng an toàn

Một trong những ví dụ điển hình về “vùng an toàn” trong kinh tế chính là việc các quốc gia thoát khỏi “Bẫy thu nhập trung bình”. “Bẫy thu nhập trung bình” là khái niệm được dùng để chỉ những quốc gia có thời gian tăng trưởng nhanh và do vậy nhanh chóng đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình nhưng sau đó thất bại trong vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình để tiến lên trở thành các nền kinh tế thu nhập cao. Ngưỡng trung bình dường như là ngưỡng an toàn cho sự phát triển, con người vẫn có thể thoải mái tại mức sống đó nhưng không thể có bước nhảy vọt trong tương lai.

Thực tế tình trạng này diễn ra rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay, khi mà thực tập và có công việc ngay từ khi còn đi học đã không còn xa lạ, với mức lương 5-7 triệu tương đối ổn định các bạn dễ có xu hướng hài lòng với những gì mình đạt được. Việc đi làm sớm cũng đánh đổi bằng thời gian trau dồi phát triển những kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn, nếu không có thái độ cầu tiến học hỏi thì rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Hãy để những công việc thực tập đầu tiên làm kinh nghiệm tiền đề chứ đừng quá đặt nặng vào nó mà quên đi mất chuẩn bị kiến thức làm bệ phóng cho tương lai. Mỗi người sẽ có những con đường của riêng mình, hãy lựa chọn khôn ngoan và luôn tiến về phía trước!

GenZ - một thế hệ sống “nhanh”? Nên thử bao nhiêu lần trước khi dừng lại?

Sống trong thời đại có quá nhiều cơ hội cùng sự tự do đôi khi lại chính là thử thách cho gen Z. Tình trạng nhảy việc và sự mông lung chính là minh chứng rõ nhất cho những gì mà gen Z mắc phải. Theo một cuộc khảo sát nhân lực của Anphabe vào tháng 12.2021, tỷ lệ tìm kiếm công việc mới tại Việt Nam lên đến 58%. Sau quý I năm 2022, số lượng tìm kiếm công việc mới cao nhất trong ba năm trở lại đây. Theo LinkedIn chia sẻ, thông điệp “Open to Work” trên profile cá nhân đã tăng chóng mặt trong 2022. Nhìn vào những con số ta có thể hiểu tại sao gen Z được gọi là thế hệ nhân viên “sẵn sàng nhảy việc”, gây ra bài toán hóc búa cho tuyển dụng. 


Tự do là một món quà cho người trẻ chúng ta có cơ hội tìm kiếm những điều thật sự phù hợp, nhưng đừng lạm dụng hóa nó để khiến mình trở nên chớp nhoáng, thiếu kiên định. Trên con đường tìm kiếm mục tiêu sẽ có rất nhiều ngã rẽ, mỗi ngã rẽ sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau nhưng hãy kiên nhẫn một chút trước khi quyết định dừng lại, để trải nghiệm đủ sâu sắc và toàn diện hoàn thiện bản thân từng ngày.

Tập trung vào bản thân

Một lý do lớn nhất cho sự mông lung vô định chính là việc chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống quá nhiều nên đôi khi quên mất việc chăm sóc bản thân, dừng lại để tự hỏi rằng chúng ta thật sự muốn điều gì. Sẽ quá tham vọng để ôm mộng thay đổi toàn diện trong một thời gian ngắn, nhưng một cỗ máy cũng không thể chạy đường dài nếu không có sự chắc chắn từ bên trong. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

1. Sức khỏe tinh thần đi liền với sức khỏe thể chất:
Hãy chăm sóc và quan tâm tới sức khỏe tinh thần bởi nó chính là động lực vô hình giúp bạn học tập và làm việc hiệu quả hơn. Xây dựng một lối sống tinh thần lành mạnh sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, những cảm xúc ganh đua, ghen ghét hay so sánh với người khác. Việc mở rộng tâm hồn sẽ giúp bạn hướng đến niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống cho dù có phải đối mặt với bất kỳ thử thách, khó khăn nào phía trước. Bên cạnh đó, bạn cũng hãy tập cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lí, tăng cường vận động thể thao để có thể có một sức khỏe tốt nhất. Bởi lẽ sau cùng, chỉ có sức khỏe mới giúp chúng ta đủ năng lượng để bùng cháy hết mình với đam mê.

2. Các mối quan hệ: 
Hãy tập trung vào những mối quan hệ đem lại giá trị tích cực cho bạn và tránh xa những mối quan hệ không lành mạnh, ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.

3. Chăm sóc cá nhân: 
Hãy chăm sóc cho vẻ ngoài, hãy khiến bạn đẹp lên mỗi ngày. Bởi điều đó cũng sẽ giúp cho bạn có được sự tự tin, có được động lực để làm điều bạn muốn. Không chỉ vậy, bạn cũng hãy duy trì các thói quen tích cực cũng như những sở thích cá nhân của mình. Bởi lẽ, những sở thích đấy đôi khi lại là thứ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn, có một tinh thần tốt hơn và có thể sẽ còn đem lại sự hiệu quả, năng suất hơn trong công việc.

4. Học tập, sự nghiệp: 
Hãy xây dựng cho mình một lộ trình phù hợp, đặt ra những mục tiêu, kế hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, bạn cũng phải luôn cố gắng vươn lên, không ngừng phát triển trong tư duy, kiến thức.

Và cuối cùng, hãy luôn là chính mình để thấy ta thật tuyệt vời biết mấy. Bạn không cần cảm thấy tự ti hay thất bại khi so sánh mình với những người xung quanh, bởi thành công là khi bạn dám nghĩ và dám làm để trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình ngày hôm qua. 

Dẫu cho được sinh ra trong một thời đại mới, dẫu có được gọi là “Thế hệ vượt sướng" thì chúng ta - những bạn trẻ Gen Z chắc hẳn đã trải qua những áp lực vô hình, những lần lạc lối, vấp ngã, để rồi từ đó ta học cách đứng dậy, trưởng thành hơn qua từng ngày. Vì vậy, dù cho gen Z là một thế hệ dễ tổn thương, “thế hệ lo âu” nhưng cũng là thế hệ có sức chịu đựng bền bỉ và sâu sắc nhất. Chính những áp lực từ điều kiện ngoại cảnh đã khiến cho thế hệ gen Z trưởng thành hơn bao giờ hết. Bởi, gen Z luôn sẵn sàng đón nhận những thách thức, cơ hội để trở nên hoàn thiện hơn. Họ luôn mang trong mình giấc mộng có thể thay đổi được bản thân và xã hội theo chiều hướng tích cực. Và có lẽ, đây cũng chính là một trong những “đặc quyền” của Gen Z khi ta so sánh với những thế hệ trước.

Năm mới - Khởi đầu mới, đây chính là lúc để bản thân ta nhìn lại chặng đường trong năm cũ và đặt những mục tiêu, nguyện vọng cho năm tới. Đôi lúc, đây là khoảng thời gian mà ta cảm thấy choáng ngợp với tương lai phía trước, với những lối rẽ đa màu ở ngoài kia và chưa tìm thấy lối đi riêng cho bản thân. Tuy nhiên, đây là thời điểm vàng để ta gạt đi những áp lực, hoài nghi, thất bại trong năm cũ để ta được sống là chính mình, kiến tạo cho bản thân những dấu ấn riêng, cũng như viết tiếp ước mơ với những tháng năm tuổi trẻ.

Bạn thân mến, nếu bạn vẫn đang lạc lối trên chuyến tàu của thanh xuân, hay, nếu bạn còn đang khó khăn trong việc định hình bản thân thì cũng đừng quên rằng “Bạn tuyệt nhất khi là chính bạn!”. Đừng để những tiêu chuẩn khắt khe trên mạng xã hội hay những định kiến từ người đời mà đánh mất đi bản thân bạn nhé! Năng lượng từ trong trái tim bạn mới là bộ đồ đẹp nhất, là nụ cười tươi tắn nhất mà bạn có thể khoác lên mình. Và chỉ khi bạn là chính bạn, bạn mới biết được mình là ai trong một thế giới vốn khốc liệt và cạnh tranh này, mới nhận ra giá trị của bản thân và sẵn sàng bước đi trên hành trình phía trước. 

Nguồn: Tổng hợp.
Đội ngũ thực hiện: Hải Yến, Phương Anh, Diệu Anh.


KẾT LUẬN

LIÊN HỆ

Facebook: https://www.facebook.com/yec.ktqd
Email: yec.neu@kinhtetre.net
Website: kinhtetre.net
Hotline: 086 603 6175 (Ms. Phuong Anh)

ĐỊA CHỈ

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
National Economics University
207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.