KINH TẾ THỜI 

KHI CẢ THẾ GIỚI
NGỪNG QUAY 

Xuất hiện từ cuối năm 2019, Virus Corona (Covid-19) đang lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Dịch bệnh này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ nhân loại mà còn là mối quan tâm sâu sắc của nền Kinh tế toàn cầu. Một cuộc cải tổ lớn về góc nhìn Kinh tế đã diễn ra, liệu đây có phải thời điểm thay đổi toàn bộ “bảng xếp hạng” những ôm trùm trong thế giới đa ngành?

COVID-19

Y-Magazine #1
CLB Nhà Kinh tế trẻ (YEC-NEU)

YMagazine

I. Người Việt Nam phản ứng như thế nào trước COVID-19?

Người dân ở các quốc gia trên toàn Thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, cảm thấy lo sợ - bởi sự đe doạ về tính mạng và sức khỏe, dẫn đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của họ cũng bị tác động đáng kể. Nhìn chung, theo khảo sát của Nielsen tính đến ngày 10/03/2020 với 500 đáp viên trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, kết quả rằng người Việt Nam đang có nhận thức rất cao về nguồn gốc và triệu chứng của COVID-19. Họ tiếp tục theo dõi các tin tức cập nhật về dịch bệnh này nhiều lần mỗi ngày (65%) với top 3 nguồn thông tin là truyền thông mạng xã hội, tin nhắn từ Bộ Y Tế, Thủ tướng Chính phủ và tin tức trên TV.
COVID-19 không những tác động đến hành vi chung mà còn đến cả việc mua sắm và các kênh ăn uống ngoài. Theo khảo sát, 45% đáp viên phản hồi rằng họ đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây. Ngoài ra, 52% chia sẻ rằng họ ít ăn uống ở ngoài và hạn chế các cuộc gặp mặt ngoài nhà, 33% chủ động hội họp tại gia và 30% tăng cường sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50%+ người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài. Các nền tảng tạp hóa trực tuyến và dịch vụ giao thức ăn, theo nghiên cứu của Nielsen, có mức tăng trưởng cao nhất, dẫn đến nhiều nhà cung cấp phải điều chỉnh chiến lược để đáp ứng nhu cầu này. Ngược lại, mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giảm đến 35% so với cùng kỳ.

II. Bức tranh ngành hàng: người được và kẻ mất

Sự bùng lên mạnh mẽ của ông hoàng FMCG
Cùng với những thay đổi trong việc mua sắm và tiêu dùng, người tiêu dùng đã phản hồi rằng sự tiêu thụ của họ đối với một số ngành hàng cũng ảnh hưởng và thay đổi nhất định.
Với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như Sợi ăn liền, Thực phẩm đông lạnh và Xúc xích tiệt trùng. Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.

Thêm vào đó, nghiên cứu cho thấy trong 2 tháng qua, 32% người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến các mặt hàng vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe. Hai lí do chính là họ muốn tránh các siêu thị đông đúc và mua sắm các sản phẩm thiết yếu hiện đang hết hàng tại cửa hàng hiện hữu (physical store): 48% người tiêu dùng chia sẻ rằng các mặt hàng họ mua chủ yếu là sản phẩm vệ sinh cá nhân như khẩu trang và nước rửa tay, 45% mua các sản phẩm dinh dưỡng như vitamin để cải thiện hệ miễn dịch và 40% lại chi nhiều vào các sản phẩm vệ sinh nhà cửa.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc COVID-19 là nguyên nhân cho việc người tiêu dùng chuộng các sản phẩm và dịch vụ “an toàn khi sử dụng”, nhất là với ngành hàng tiêu dùng và F&B.
Ngoài ra, họ cũng ưu tiên lựa chọn các thương hiệu đưa ra các giải pháp về sức khỏe và các lợi ích liên quan. Do đó, xuất hiện nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm hướng đến đến bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn khủng hoảng này. 
Mặt khác, toàn cảnh ngành tiêu dùng nhanh, tương tự đợt dịch SARS, người tiêu dùng ít mua đồ uống có cồn hơn (30%). Ngoài ra, họ cũng ít mua các mặt hàng xa xỉ (27%) và thịt, hải sản (21%). "COVID-19 đang có ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống của người tiêu dùng, tuy nhiên chúng ta có thể mong chờ sự phục hồi nhanh chóng vì niềm tin cao của người tiêu dùng Việt Nam. Sức tiêu thụ sẽ có thể quay trở lại sau khi dịch bùng phát, nên những nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên chuẩn bị đủ nguồn cung cho giai đoạn này" - ông Nguyễn Anh Dzũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam chia sẻ.

“Các nhà tiếp thị nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt lâu dài hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giáo dục người tiêu dùng về lợi ích cùng với chiến lược thị trường phù hợp - luôn hiện hữu ở đúng nơi với giá cả hợp lí”
ông Mohit cho biết 
Nhìn chung, COVID-19 đã tác động và làm nổi bật mạnh mẽ sự phát triển vượt trội của ngành hàng FMCG - vốn từ lâu đã nắm vị thế quan trọng trong nền kinh tế - không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Thương mại điện tử "lên ngôi"

Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân, các hãng dịch vụ cũng tăng cường nhân lực và triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cước để khuyến khích việc mua hàng, bán hàng. Qua đó, tăng cường lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Thậm chí, mua vỉ thuốc uống, lẵng hoa sinh nhật hay túi thức ăn cho thú cưng… nhân dân cũng không cần phải ra đường nữa. Mọi nhu cầu cơ bản chỉ cần cập nhật và đặt hàng qua các ứng dụng như Now, Foody hay Sendo và Lazada… là đều có thể được cung cấp tại nhà, được giao tận cửa cơ quan và với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt như: trực tiếp hay trả qua thẻ, trả qua các công ty tài chính. Điều này càng có ý nghĩa và phát huy hiệu quả tích cực hơn khi người dân lo ngại ra đường sẽ đối diện với nguy cơ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một số vấn đề trong thương mại điện tử tại Việt Nam cũng cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa để gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng. Đó là tốc độ giao hàng cần nhanh hơn; hậu cần phục vụ phải chu đáo, cẩn thận và thiện chí hơn, nâng cao hơn trình độ sử dụng công nghệ của các nhân viên siêu thị khi thanh toán điện tử giúp khách hàng. Đặc biệt, chất lượng hay mẫu mã hàng hóa khi được giao thực tế phải đúng chuẩn và tương tự sản phẩm được quảng cáo trên mạng.
Bởi hiện nay, với hình thức mua hàng trực tuyến thì có 80% giao dịch là kiểm tra hàng trước rồi mới thanh toán sau. Như vậy chứng tỏ, người mua còn dè dặt, thận trọng và thiếu tin tưởng. Điều này cũng sẽ là rào cản khiến thương mại điện tử khó phát triển cũng như kéo theo các dịch vụ liên quan khác. 
Trước nỗi lo lây lan dịch COVID-19, nhiều người dân hạn chế ra đường, đến những nơi đông người, thì việc mua sắm trực tiếp cũng có xu hướng thu hẹp. Thay vào đó, người dân tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống như: đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ, gọi người nhờ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và siêu thị…
Thực tế, tư duy mua sắm của người dân đang có những chuyển biến theo hướng tích cực, không chỉ đem lại sự thuận tiện, văn minh, minh bạch thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu, mà còn tạo động lực thúc đẩy cho các loại hình dịch vụ mới có liên quan về tài chính, giao nhận vận chuyển, trao đổi thương mại của các nhà phân phối, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ,… phát triển.
Mặc dù dịch COVID-19 khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo và đe dọa nền kinh tế thế giới, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều, dịch bệnh đã giúp một số doanh nhân ngành y tại Trung Quốc thành tỷ phú USD.
Công ty Allmed Medical Products tại Trung Quốc, là một trong những đơn vị sản xuất những sản phẩm gạc, khẩu trang, mặt nạ phẫu thuật và nhiều sản phẩm trong lĩnh vực y tế, đang được nhiều người tìm kiếm. Và ông Cui Jinhai, Giám đốc của Allmed đã trở thành người dẫn đầu trong danh sách Tỷ phú USD mới trong ngành y tế và công nghệ sinh học tại Trung Quốc. Do nhu cầu vật tư y tế để đó phó với dịch bệnh liên tục tăng mạnh, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Allmed đã tăng hơn 200%, giúp ông Cui Jinhai trở thành tỷ phú USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Xuất hiện các tỷ phú y tế và công nghệ sinh học mới

Ông Nikkie Lu nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết, đà tăng của những mã như Allmed có thể thấy dấu hiệu giới đầu tư muốn tìm kiếm một điểm sáng trong nền kinh tế ảm đạm trên toàn cầu. Nhu cầu tăng mạnh với các sản phẩm này để đối phó với dịch bệnh. Ông Lu cho chia sẻ, "Cổ phiếu của Allmed tăng nhanh là nhờ doanh số bán hàng trong nước tăng vọt khi người tiêu dùng cũng như các bệnh viện Trung Quốc mua rất nhiều những sản phẩm y tế chất lượng cao".
Cổ phiếu của Công ty Công nghệ sinh học Quảng Châu Wondfo, nhà phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng thể, đã tăng hơn 40% trong năm nay. Điều này giúp Chủ tịch Li Wenmei và vợ ông, bà Wang Jihua trở thành cặp đôi tỷ phú. Cổ phiếu của Hangzhou Tigermed Cosulting được sáng lập bởi tỷ phú giáo dục Oxford, ông Ye Xiaoping cũng tăng 8%. Và công ty này cũng vừa được Trung Quốc cho phép thử nghiệm những loại thuốc để điều trị nCoV.
Còn phía các nhà bán lẻ thiết bị y tế thì thi nhau tăng giá giữa mùa dịch đến mức "đại gia khẩu trang" - Tập đoàn 3M phải đệ đơn kiện Performance Supply LLC, một doanh nghiệp ở bang New Jersey, đã cố gắng bán một lô khẩu trang lọc khí N95 với giá cao gấp 5 lần cho thành phố New York. Với mức giá ấy, lô khẩu trang có trị giá tới 45 triệu USD. 3M còn cáo buộc Performance Supply LLC tự tuyên bố họ là nhà phân phối của 3M, trong khi hai bên không hề có bất kì quan hệ phân phối nào. Bên cạnh đó, hàng loạt công ty cũng dần nắm bắt cơ hội, chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và máy thở.

Thế giới thiếu trầm trọng thiết bị y tế
 Ảnh:  Bloomberg

Covid-19 phủ mây đen lên ngành du lịch và hàng không Việt Nam

“Ước tính rằng doanh thu của thị trường Du lịch sẽ giảm 17% trên toàn thế giới do tác động của chủng coronavirus mới, từ 685,1 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 568,6 tỷ USD vào năm 2020” - theo thống kê của Statista.
Việt Nam, Covid-19 đã có tác động đáng kể lên ngành du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh con số cao kỷ lục - hơn 2 triệu lượt khách nước ngoài vào nước ta chỉ trong tháng 1 năm nay. Trên thực tế, khoảng hơn 30% lượng khách đó đến từ Trung Quốc và hai thị trường lớn khác là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nghiên cứu ban đầu của Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam cho thấy, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% đến 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.
Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) cũng bị ảnh hưởng mạnh khi nhiều công ty đa quốc gia đã hủy bỏ các chuyến du lịch nước ngoài cho nhân viên của họ.
Các thị trường vẫn còn hoạt động mạnh nhất là thị trường khách du lịch từ châu Âu và Australia, những nơi mà lượng đặt phòng cho thời gian tới chỉ giảm khoảng 20% - tính đến thời điểm dịch chưa bùng phát mạnh tại các quốc gia châu Âu.

Chịu ảnh hưởng lớn từ sự giảm sút trong Du lịch, Ngành hàng không Việt Nam đang sống trong những ngày u ám nhất trong vòng nhiều năm qua, khi lượng khách du lịch sụt giảm do tác động của dịch Covid-19. Các hãng hàng không là đơn vị sụt giảm trực tiếp và mạnh mẽ nhất.
Mới đây nhất, Vietnam Airlines thông báo tạm thời giảm tần suất bay giữa Việt Nam và châu Âu từ ngày 25/3. Tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu trên các đường bay bị cắt giảm bao gồm giữa Hà Nội, TP.HCM và London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).
Không chỉ giảm về số chuyến bay, doanh thu bình quân trên mỗi vé của Vietnam Airlines cũng thấp xuống do hãng hàng không phải giảm giá vé để thúc đẩy nhu cầu. Theo báo cáo sơ bộ của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19. Dự kiến doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines có thể giảm đến 12.500 tỷ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm 2020) và giảm lợi nhuận đến 5.880 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng (trong khi kế hoạch lãi gần 1.600 tỷ đồng).

Với Vietjet Air, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Trung Quốc thậm chí còn là thị trường quốc tế trọng yếu của Vietjet Air, điều này khiến hãng bay này bị tổn thất lớn hơn cả Vietnam Airlines khi phải ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Ước tính, lượng bay quốc tế của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam có thể giảm 60% trong quý 1 và khoảng 30% trong quý 2 năm nay.

Vietnam Airlines tiến hành khử trùng toàn bộ chuyến bay quốc tế về Việt Nam. Ảnh: VNA

Event Industry và viễn cảnh không mấy tươi sáng

Tại Việt Nam, năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Bên cạnh đó là các sự kiện văn hóa quan trọng như Năm du lịch quốc gia, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2020 đều đã lần lượt bị hoãn, hủy hoặc tổ chức trên quy mô nhỏ để tránh tập trung đông người. 
Sau một khảo sát nhanh đến các giám đốc của các công ty tổ chức sự kiện, thì có đến 70% - 80% công ty chỉ đạt được khoảng 30% mục tiêu doanh thu cho cả Qúy 1/2020 vừa rồi, hầu hết đó là những event đã diễn ra vào dịp trước tết âm lịch.
Bắt đầu sau tết âm lịch, có rất nhiều event bị dời, hoặc huỷ bỏ dẫn đến tình trạng có hơn 80% cty “ngồi chơi xơi nước” từ tầm tháng 02/2020 - 04/2020. Ở đây được hiểu là không có project diễn ra, không có event làm dẫn đến việc không phát sinh doanh số, các công ty vẫn làm việc, lên plan cho khách hàng rất nhiều nhưng "xong rồi thì để đó". Virus corona đã chứng minh rằng sức mạnh của nó không bỏ qua bất kỳ quốc gia, bất kỳ lĩnh vực nào. Tất cả đều “đứng yên” chờ đợi COVID-19 đi qua.

World Cup, Wimbledon, Liên hoan phim Cannes, Google I/O 2020… Đó chỉ là vài nét phác họa về các sự kiện quy mô hàng đầu thế giới đã bị hủy bỏ trong những ngày qua khi mà dịch virus corona không ngừng lây lan ra khắp các châu lục.
Tại Trung Quốc, tâm dịch của thế giới, cũng là nơi dự kiến đầu năm nay diễn ra nhiều giải đấu quốc tế quan trọng ở nhiều môn thể thao, trong đó có những giải đấu liên quan trực tiếp đến các sự kiện thể thao lớn trong khu vực hay thế giới như Cúp Bóng đá châu Á, vòng loại Cúp Bóng đá Thế giới 2022 tại Qatar và rất nhiều giải đấu tuyển chọn chuẩn bị cho Olympic 2020. Vì dịch virus corona, tất cả đều đã bị hủy, lùi thời hạn hoặc chuyển địa điểm sang châu lục khác.

Nền Kinh tế đứng trước mối đe doạ của đại dịch toàn cầu
Tựu chung lại, khi đại dịch đang diễn ra, sự chú ý ngày càng tăng đối với các tác động kinh tế tiềm ẩn của sự bùng phát coronavirus. Hiện tại, đại dịch đã khiến toàn bộ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ảnh hưởng của COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực, nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD, do vai trò của kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%).
Những ngành, lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất (như đã đề cập ở trên) đó là: Du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không, bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, bị ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô...
Thêm vào đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do: tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm H5N6, H5N1 trong thời gian tới, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu u đưa ra chưa được gỡ bỏ, dịch Covid-19.
Về sản xuất công nghiệp, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Đối với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam.
Về đầu tư, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%. 

III. “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia trong khu vực có cùng phản ứng phải ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại.
Việt Nam được quốc tế đánh giá rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả trong việc phản ứng với tình hình dịch bệnh thời gian qua. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó các Bộ: Y Tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, có những hành động kịp thời, hiệu quả đã góp phần quan trọng phòng, chống và kiểm soát dịch, ổn định tâm lý xã hội, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại trong bối cảnh khó khăn của dịch.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề. Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.
Địa chỉ: 207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam 
Website: kinhtetre.net
Email: yec.neu@kinhtetre.net
Hotline: 0522 000 114 (Ms. Linh)

LIÊN HỆ

FANPAGE:
CLB Nhà Kinh tế trẻ

Cuộc thi về Case Study: Hành trình Kinh doanh

Nguồn: Tổng hợp
Ảnh: Unsplash