Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh ngày Tết đã và đang dần chuyển mình để thay đổi theo một xu hướng mới, không còn hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên nhau quanh bếp lửa bập bùng để trông nồi bánh chưng, hay cảnh tượng dòng người nô nức đi chúc Tết nữa. Xưa kia, Tết vốn là dịp để những đứa con xa xứ quay trở về mái ấm. Thế nhưng, thay vì đoàn viên với gia đình hay trải qua kỳ nghỉ lễ tại quê hương như ngày xưa, thì mỗi người trẻ ngày nay lại có một cách đón Tết thật khác biệt, từ đi du lịch tới nơi mình thích, tham gia các sự kiện giải trí, ca nhạc đặc sắc, đến dành thời gian để tạo nên những bộ ảnh Tết muôn màu, v.v. Quả thực qua từng ngày, thế hệ trẻ lại càng trở nên tự tin, cá tính hơn và luôn cố gắng xây dựng nên một “chất riêng” cá nhân đầy khác biệt. Để rồi giờ đây, Tết lại mang một sắc thái trẻ trung, lạ lẫm, và cũng ít cái “chất Tết” truyền thống quen thuộc hơn những thế hệ đi trước.

Vậy, nguyên nhân từ đâu khiến “Tết Việt đang dần mất chất” trong nhận thức chung của Gen Z ngày nay?

Nguyên nhân từ đâu khiến “Tết Việt đang dần mất chất” trong nhận thức chung của Gen Z

Gen Z được xem là thế hệ “thuần chủng số” vì họ được sinh ra vào thời điểm Internet phát triển lên một cấp độ cao mới. Chỉ cần bạn có trên tay một chiếc smartphone thì tất cả mọi nhu cầu trong cuộc sống đều có thể được giải quyết nhanh chóng bằng một nút bấm. Và cũng chính sự tiến bộ của Internet và công nghệ này đã tạo ra những tiện ích đột phá giúp con người có thể tối giản hóa những hoạt động truyền thống, hướng đến sự tự do cá nhân theo lối tư duy hiện đại của riêng mình. Giờ đây, một tin nhắn hay một biểu tượng “Chúc mừng năm mới” gửi hàng loạt, sắm Tết, lì xì “online” ngày càng phổ biến, thay cho cảnh dòng người xôn xao, hối hả trong những dịp tết xưa.

Công nghệ đang hiện đại hóa truyền thống 

Bạn Lê Minh Nguyệt - sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Mình cảm thấy việc chia sẻ tình cảm trên mạng xã hội khiến mình thoải mái và tự tin hơn. Đứng trước người lớn hay họ hàng mình cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và thổ lộ cảm xúc bởi khoảng cách thế hệ và lối sống khác biệt. Đôi khi mình còn thấy khó xử khi đối diện với mọi người vào dịp Tết”. 
Đối với những thành viên lớn tuổi trong gia đình, Tết là dịp quan trọng nhất trong năm, vào dịp này mọi người thường tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và mua sắm cho gia đình để chuẩn bị cho một năm mới thật đủ đầy. Họ thường bận rộn suy tư về việc phải chăm chút cho bàn thờ gia tiên thật kỹ lưỡng, sắm sửa cho những ngày đưa ông công, ông táo về trời hay đơn giản là cẩn thận chuẩn bị mâm cơm thắp hương đêm 30, v.v.

Nhưng với hầu hết những người trẻ hiện đại thì cái Tết cổ truyền chưa bao giờ là thứ họ thực sự muốn theo đuổi. Nếu ngày xưa, khi đời sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, ông bà ta đến Tết mới được ăn uống no nê, quần áo mới cũng chỉ có thể mặc trong ngày lễ này. Thì ở hiện tại, điều kiện sống được cải thiện hơn, ngày nào cũng được sống như ngày Tết, họ coi Tết như một dịp nghỉ lễ dài bình thường để du lịch và thư giãn theo cách của riêng họ. Những điều trên cũng dần khiến cho các bạn trẻ hiện nay không còn cảm giác mong chờ Tết đến nữa.

Cuộc sống đủ đầy khiến Gen Z không còn cảm giác chờ mong Tết đến

Ám ảnh của gen Z: Tết là để nghỉ ngơi hay là cao điểm “hành xác”

Mặc dù đây vốn là thời điểm để gia đình sum vầy, tề tựu; thế nhưng, thay vì được nghỉ ngơi đúng nghĩa vào dịp Tết thì nhiều người lại có những lo lắng riêng về “Tết to”, “Tết nhỏ”, ngập đầu trong cả núi công việc từ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa cho đến nấu nướng, mâm cao cỗ đầy. Việc sắp xếp thời gian dành cho gia đình, hoạt động những ngày đầu xuân năm mới một cách chu toàn cũng là thử thách lớn khiến nhiều người trẻ e ngại, dần dà hình thành nỗi sợ Tết dù đây là ngày lễ trọng đại trong năm.
Có những bạn trẻ luôn than phiền rằng: “Tết đến chỉ muốn trốn chứ không muốn về nhà”. Đó là bởi họ còn sợ sệt khi phải trả lời những câu hỏi muôn thuở ngày Tết như “Có người yêu chưa?”, “Bao giờ lấy chồng?”, “GPA bao nhiêu?”, “Học ngành gì?”, “Sau này tính làm nghề nào?”, v.v, trong khi công việc và cuộc sống hàng ngày đã đủ áp lực. Để rồi khi Tết đến, họ chỉ muốn dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí một cách vui vẻ, thoải mái đúng nghĩa.
—————
Tóm lại, sự phát triển của thời đại công nghệ, sự thay đổi trong lối sống và nỗi lo lắng của gen Z đã ảnh hưởng đến tâm lý và quan điểm của họ về cái đẹp của ngày Tết, chất Tết. Nhiều bạn trẻ gen Z cho rằng một mùa Tết trọn vẹn là một mùa Tết vui vẻ, thoải mái, không bị ràng buộc bởi những áp lực. Họ thích những hoạt động vui chơi, giải trí, khám phá những điều mới mẻ. Họ cũng không còn quan trọng hóa việc phải giữ gìn những phong tục, tập quán truyền thống theo phong cách cổ truyền nữa, mà thay vào đó họ giữ gìn những điều đó theo cách riêng của mình.

Những nguyên nhân trên đã tạo nên sự thay đổi lớn trong lăng kính của gen Z về định nghĩa của một mùa Tết trọn vẹn. Nếu như trước đây, Tết được coi là dịp để “ăn Tết", khi chúng ta phải dành phần lớn thời gian bên mâm cơm gia đình, đi chúc Tết họ hàng, thì ngày nay, Tết đã trở thành một dịp để "chơi Tết", để dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch, giải trí trong mắt người trẻ.
Đối với gen Z, Tết ngày nay đã trở thành một dịp để tận hưởng những giây phút vui vẻ, thoải mái sau một năm làm việc, học tập đầy áp lực. Bởi vậy, thay vì áp đặt bản thân theo khuôn mẫu truyền thống đã có từ bao đời, các bạn trẻ dần có xu hướng thực hiện những hoạt động mới mẻ, hiện đại hơn như đi du lịch xuyên Tết, tham gia các hoạt động giải trí, hay đơn giản là tận dụng công nghệ để sắm Tết, trao gửi lời chúc nhằm có nhiều thời gian nghỉ ngơi cho bản thân hơn, v.v.

GEN Z “CHƠI TẾT” THAY VÌ “ĂN TẾT”

Đón Tết online

Những năm gần đây, cụm từ "đón Tết online" được nhắc đến, đặc biệt là trong cộng đồng những bạn trẻ gen Z, không chỉ bởi dư âm khó phai của mùa Tết năm 2021 khi đại dịch COVID-19 hoành hành, mà còn đến từ sự phát triển nhanh chóng của những ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu ngày Tết. Từ mua sắm, lì xì đến chúc Tết đều được gen Z tối giản hoá qua hình thức trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian và thoải mái thể hiện cảm xúc hơn.
Từ những ứng dụng công nghệ tạo nên sự tiện nghi trong cuộc sống

Nhắc tới đón Tết online, chắc chắn không thể không kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử.
Ngày nay, thay vì mua hàng trực tiếp, các bạn trẻ gen Z lại có xu hướng sắm Tết “online” trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok Shop, v.v Một dẫn chứng cho sự phát triển lớn mạnh này là có đến 85% Gen Z tìm hiểu về sản phẩm thông qua nền tảng xã hội, sàn thương mại điện tử hay website và 72% trong đó sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để mua sắm trong cuộc sống hàng ngày của họ (Theo nghiên cứu của báo Tuổi trẻ).

Nguyên nhân tạo nên sự thay đổi trong hành vi này xuất phát từ sự đa dạng mẫu mã, kiểu dáng của các loại sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Từ quần áo, phong bao lì xì đến bánh kẹo mùa Tết, với sự phát triển phổ biến của các ứng dụng mua sắm trực tuyến, gen Z hoàn toàn có thể chọn lựa cho mình những mặt hàng phù hợp với “chất riêng” - sở thích, nhu cầu cá nhân của bản thân mà chẳng cần phải mất thời gian đi đâu xa.

Đến một cái Tết trọn vẹn từng khoảnh khắc.

Công nghệ cũng đã trở thành một phương tiện để gen Z có thể tự tin thể hiện chất riêng độc bản của mình. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng chia sẻ ảnh, video như Instagram, Tiktok, Locket, v.v ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn mạng xã hội là nơi để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mình. Vào trước thềm năm mới, nhu cầu này lại càng trở nên phổ biến hơn khi Tết là một dịp hiếm hoi trong năm để các bạn trẻ gen Z, những người đã thu mình vào trong vòng xoáy hối hả, vội vã của công việc suốt cả một năm qua, được nghỉ ngơi và dành thời gian để ghi lại dấu ấn cá nhân bằng những bộ ảnh đầy màu sắc mùa lễ của mình.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì "ăn Tết", giới trẻ ngày nay chuyển sang "chơi Tết". Họ tận dụng sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ để thuận tiện hóa mọi thứ, tập trung nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí nhiều hơn. 
Được sinh ra trong một thời đại ghi dấu đầy những biến chuyển về kinh tế, đời sống, gen Z có lối sống phóng khoáng, hiện đại và yêu thích sự tự do hơn. Mong muốn được trải nghiệm những phong cách sống khác nhau để định hình bản sắc của bản thân thay vì rập khuôn bản thân theo một khuôn mẫu cứng nhắc, các bạn trẻ thời nay dần có xu hướng thích việc đi du lịch, khám phá những mảnh đất mới, những con người mới ở khắp bốn phương.

Du lịch xuyên Tết

Chính bởi vậy, vào mùa Tết, các bạn trẻ đã không còn quá nặng nề vào những lễ nghi truyền thống, rằng cứ mỗi dịp Tết đến là con cháu phải về quê, phải ở nhà cùng gia đình và họ hàng. Thay vì thế, gen Z lựa chọn việc đi du lịch để nghỉ ngơi, nạp cho mình một nguồn năng lượng mới sau những chuỗi ngày làm việc đến “hao pin” của năm cũ. Đối với những bạn trẻ ưa khám phá, đây cũng là dịp để họ được phiêu lưu giữa những nền văn hóa khác nhau, được sống là chính mình và tận hưởng niềm vui giữa một thế giới đa sắc.

TẾT XƯA - LIỆU RẰNG “CHẤT TẾT” CÓ ĐANG DẦN BỊ PHAI MỜ?

Bên cạnh những tác động tích cực, sự thay đổi quan niệm về không khí ngày Tết của Gen Z cũng đã dẫn đến một số vấn đề cần bàn luận. Chẳng hạn, việc quá chú trọng đến việc "chơi Tết" có thể khiến thế hệ trẻ dần lãng quên đi những giá trị truyền thống, đong đầy ý nghĩa của ngày Tết. Chẳng hề sai khi người trẻ mong muốn có một mùa Tết được chơi hết mình, sống trọn “chất riêng”, mà vẫn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng quả thực, đó chẳng phải là lý do chính đáng để ta tách mình khỏi gia đình, họ hàng - thờ ơ khi tiếp xúc với cha mẹ, khép mình ở trong thế giới ảo hay chọn cách đi du lịch xa để “trốn” về nhà vào dịp Tết.

Bởi, Tết là sự đoàn viên, tụ họp chứ không phải chia ly, xa cách. Không chỉ đơn giản là những bữa cơm, những câu chúc, Tết vốn còn là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu kính với ông bà, cha mẹ, thăm hỏi họ hàng. Cả một năm vất vả xứng đáng được thưởng bằng những chuyến đi chơi dài ngày, nhưng sự yêu thương, lo lắng cho con của cha mẹ cũng xứng đáng được đổi lại bằng những cái ôm, hay bữa cơm thân mật ngày Tết. Nếu người trẻ không ý thức được những giá trị này, thì xuôi theo dòng chảy của thời gian, Tết cũng sẽ dần mất đi ý nghĩa thiêng liêng đã có từ bao đời của nó.
Thế giới luôn vận động và phát triển không ngừng. Do đó, mọi thứ đều cần có sự biến đổi để thích nghi với điều kiện thực tế. Mọi lĩnh vực trong đời sống từ văn hóa, xã hội, kinh tế, v.v đều không nằm ngoài quy luật này. Chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghệ, những chiếc điện thoại di động phổ thông ngày càng trở nên lỗi thời và được thay thế bằng những chiếc điện thoại thông minh có nhiều tính năng hiện đại. Hay trong lĩnh vực kinh doanh, những doanh nghiệp không cập nhật xu hướng thị trường sẽ bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp nhạy bén, sáng tạo. Và Tết cũng không phải ngoại lệ.

“Nếu bạn không thể thay đổi, bạn sẽ bị thay thế.” - Jack Welch, cựu CEO của General Electric.

Thời đại mới, Tết cũng cần “thích nghi”

Thay vì tự đặt ra sự lựa chọn giữa quá khứ và hiện tại, người Việt đang chủ động hướng tới sự "thích nghi" - một sự hòa quyện linh hoạt, vừa thể hiện được bản sắc cá nhân, đồng thời giữ vững "chất" truyền thống của Tết. Thích nghi không đồng nghĩa với việc từ bỏ những giá trị cổ truyền. Ngược lại, đó chính là cách để mỗi chúng ta tìm ra những phương thức mới, phù hợp với điều kiện xã hội ngày nay mà vẫn giữ được "chất riêng” của Tết. Điều này có thể được thể hiện qua việc chúng ta thay đổi cách trang trí nhà cửa, nấu những món ăn yêu thích, hay thậm chí là cách gặp gỡ và chia sẻ niềm vui thông qua môi trường số.

Lấy một ví dụ khác, Táo Quân vẫn luôn được biết đến là một "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người Việt vào đêm 30 Tết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự xuất hiện và cạnh tranh của các chương trình Tết khác, Táo Quân đã có những sự đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu hướng và tiếp cận đến tệp khán giả trẻ tuổi. Vẫn giữ nguyên “đặc sản” là sự châm biếm sâu cay về những vấn đề xã hội, song Táo Quân đã thêm vào đó những câu nói bắt trend đậm chất Gen Z, cho thấy đội ngũ ekip Táo Quân đã và đang không ngừng nỗ lực “thích nghi” với thời đại. Bằng cách “đổi mới” nhưng không “đổi chất”, Táo Quân vẫn luôn là một cái tên đáng mong chờ với người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

“CHẤT RIÊNG” KHÔNG LÀM
MẤT “CHẤT”

Gen Z - Thế hệ tô đậm “chất Tết” theo một cách rất riêng

Phá vỡ định kiến ngày Tết

Không thể phủ nhận rằng Gen Z đang góp phần thay đổi những quan niệm trong ngày Tết một cách tích cực. Họ không quá câu nệ vào những nghi lễ rườm rà, mà chú trọng vào ý nghĩa của ngày Tết, đó là dịp để sum vầy, đoàn tụ bên gia đình, bạn bè và thể hiện tình cảm yêu thương. Bên cạnh đó, Gen Z cũng là thế hệ đã dám lên tiếng phê phán, xóa bỏ những quan niệm cổ hủ, bất công vào ngày Tết. Xưa nay, người ta vẫn cho rằng con gái phải dọn dẹp, nấu nướng, còn con trai thì phải uống rượu giỏi mới là “đàn ông đích thực”. Đối với Gen Z, Tết chỉ thực sự trọn vẹn khi bức tường định kiến được phá bỏ, con người nhìn nhau bằng ánh mắt bao dung, thấu hiểu, thay vì đánh giá, xét nét.
Vậy gen Z đã có chiến dịch gì để xóa bỏ những định kiến ngày Tết?
Kinh nguyệt là biểu hiện sinh lý bình thường của nữ giới. Thế nhưng tại Việt Nam, dân gian vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng việc tới tháng đầu năm sẽ mang lại điềm xui: các cô gái sẽ không được đi chùa, xông đất, thậm chí mua băng vệ sinh vào đầu năm vì kiêng kị. Nhằm xóa tan những định kiến này, Kotex đã kết hợp cùng những nghệ sĩ Gen Z như MONO, tlinh và onionn ra mắt MV Tết “Xui Hay Vui”. Với thông điệp “Xui hay vui là do mình thui”, MV đã thể hiện quan điểm mới mẻ về kinh nguyệt đồng thời cổ vũ các bạn nữ vượt qua định kiến để tận hưởng trọn vẹn ngày Tết.

Khi công nghệ trở thành sợi dây gắn kết

Cứ tưởng là vô tâm và lười biếng, nhưng thật ra Gen Z lại có những cách khác biệt để tạo nên không khí quây quần, sum họp vào ngày Tết mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Gen Z gìn giữ giá trị đoàn viên truyền thống bằng cách thổi vào đó những trải nghiệm mới mẻ của Internet. Với họ, Tết kết hợp cùng công nghệ thực sự trở nên vui vẻ, đầy màu sắc hơn rất nhiều. 

Một trong những định kiến lớn nhất của thế hệ trước với Gen Z là cho rằng thế hệ này mất kết nối với thế giới thực. Tuy nhiên, hơn ai hết, người trẻ lại chính là những người kết nối giỏi nhất, bởi, thông qua hàng loạt tiện ích của smartphone, khoảng cách địa lý đã phần nào được xóa nhòa. Nhờ Internet, những người con không thể về quê hương ăn Tết cũng bớt đi cảm giác cô đơn nơi xứ người. Những cuộc xông đất đầu năm có thể thay thế bằng cuộc gọi video “xông đất online” xuyên nghìn cây số ngay đêm giao thừa. Với Gen Z, nhà đôi khi không phải là một địa điểm vật lý, mà ở đâu có người thân, ở đó là nhà. Và công nghệ với người trẻ là công cụ truyền tải nguồn năng lượng tích cực cho xã hội, gắn kết mọi nhà, tạo ra các giá trị vượt ngoài khuôn khổ truyền thống.
Sự phát triển của công nghệ đã giúp Tết của mình trở nên thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ với vài cú click chuột, mình có thể sắm được những món đồ mình yêu thích với giá ưu đãi, gửi tin nhắn chúc Tết cho bạn bè, khoe thành quả gói bánh chưng qua Locket. Ngoài ra, mình và bạn bè có thể gửi lì xì cho nhau qua ví điện tử. Công nghệ đã giúp mình vừa có thể đón Tết trực tiếp với gia đình, người thân, vừa có thể đón Tết online với bạn bè.” - Bạn Quang Khánh, sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ.

Nơi nào có tình yêu, nơi đó là nhà

Quan niệm về “Nhà” của Gen Z ngày nay cũng có nhiều thay đổi. Đối với họ, chỉ cần trong lòng luôn có tình yêu thương thì bất cứ nơi đâu cũng là nhà, khoảnh khắc nào cũng chứa đựng tình cảm gia đình ấm áp. Với góc nhìn tích cực, không ít Gen Z coi việc đón Tết xa nhà giống như một trải nghiệm thú vị giúp cuộc sống có thêm màu sắc. Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng, đi du lịch cùng gia đình vào ngày Tết sẽ giúp các thành viên thư giãn đầu óc, gắn kết với nhau hơn và tạo nên những kỉ niệm mang đậm dấu ấn riêng của mình. Ngoài ra, đây cũng là dịp để Gen Z thể hiện sự độc lập và tự chủ của mình. Nếu như trước đây khi đón Tết ở nhà, Gen Z chỉ thụ động nghe theo lời bố mẹ trong việc trang trí, dọn dẹp nhà cửa thì nay, họ có thể chủ động thể hiện tình cảm, mong muốn chăm sóc gia đình qua việc tự tay lên kế hoạch cho chuyến đi ngày Tết. Rõ ràng rằng, việc đón Tết ở đâu không còn quá quan trọng khi “nơi nào có tình yêu, nơi đó là nhà”.
Tựu trung lại, để có một ngày tết đầy ý nghĩa, bạn chẳng cần phải cố gắng thay đổi cái “Tết nay” sao cho giống “Tết xưa”, mà đôi khi bạn chỉ cần biết cách dung hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và “cái chất” của bản thân. Nghỉ ngơi, giải trí một chút để tạo nên một mùa Tết đầy màu sắc của riêng mình, rồi hãy thử bỏ chiếc điện thoại xuống, mở lòng và tâm sự với gia đình, cùng chia sẻ những đam mê mới cho cha mẹ, ông bà. Chỉ từ đó thôi, bạn sẽ biết bản thân cần làm gì cũng như gia đình sẽ hiểu bạn hơn, họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ và sẻ chia cho những vấn đề bạn đang gặp phải. Hãy nuôi dưỡng ngày Tết của bạn như một vườn hoa, bạn càng dành chăm chút, nâng niu thì vườn hoa ấy sẽ càng nở rộ.

Chúc bạn một mùa Tết “xinh”, sống trọn “chất riêng” mà không quên “chất Tết”, bạn nhé!

KẾT LUẬN

Nguồn: Tổng hợp
Đội ngũ thực hiện: Minh Nguyệt, Thuỳ Linh, Minh Trang, Cẩm Nhung, Tuấn Anh
YOUNG ECONOMISTS CLUB
LIÊN HỆ
ĐỊA CHỈ
Facebook: https://www.facebook.com/yec.ktqd
Email: yec.neu@kinhtetre.net
Website: kinhtetre.net
Hotline: 091 697 9577  (Ms. Linh Dung)
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
National Economics University
207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.